Tình trạng rửa qua rau trước khi đưa ra chợ bán tại các ao hồ, cống rãnh đã được các phương tiện truyền thông phản ánh khiến người dân lo lắng. Tuy nhiên, mức độ bẩn đến đâu vẫn đang là câu hỏi bỏ ngỏ.
Nhiễm chất tẩy rửa cao hơn kim loại nặng
Chị Nguyễn Thu Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, sau khi xem clip trên mạng và truyền hình về việc người bán rau muống tại Hà Đông và các nơi khác trước khi đưa ra chợ bán đã rửa rau bằng nước cống khiến chị thấy lo lắng.
Từ đó, mỗi lần mua rau về chị đã phải rửa lại rất sạch nhưng chị vẫn cho rằng khó loại bỏ được nguy cơ nhiễm chất kim loại nặng.
Theo ThS Dương Ngọc Bách, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan trắc và Mô hình hóa Môi trường (trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN), việc rửa rau tại các cống rãnh hay ao hồ là chuyện thường xảy ra, bởi trước khi đưa ra chợ bán người ta cần nhúng nước để rau được tươi mới.
Nhiều người lo lắng về chất kim loại nặng có thể tồn tại trong rau khiến ảnh hưởng đến sức khoẻ con người nhưng điều này rất ít xảy ra.
Chất kim loại nặng thường có tại các khu nước thải công nghiệp, nhà máy... Nếu người dân dùng nước để tưới, rửa dưới các hình thức khác nhau thì nguy cơ không cao do cơ chế hấp thụ của cây là lấy chất dinh dưỡng từ dưới đất lên.
Người bán thường rửa qua rau tại các ao hồ, cống rãnh trước khi đưa ra chợ bán
Tuy nhiên, điều lo lắng về hóa chất chính là chất tẩy rửa. Hiện nay, chất tẩy rửa chưa được kiểm soát tại các hộ gia đình. Đây là các chất tẩy có tính axit và kiềm, chúng được hòa tan trong nước.
Nếu rửa nước tại các ao hồ, mương nước ở thủy vực nhiều và sâu chất này thường đã được pha loãng. Còn nếu người bán hàng nào đó cố tình rửa bằng nước cống thải nước sinh hoạt thì nguy cơ cao hơn vì chưa có sự hòa tan.
"Các chất tẩy rửa như: xà phòng, nước rửa chén bát... là các chất hoạt động bề mặt làm từ các chất hóa học không tự nhiên. Các chất này được xem là độc hại và dễ dàng bám dính vào cây rau.
Khi rửa bằng nước sạch chúng sẽ bị loại bỏ một phần nào đó nhưng không hết hoàn toàn. Người ăn phải các chất này sẽ tồn dư lâu dài sinh ra các bệnh như viêm loét dạ dày...", ThS Bách nhấn mạnh.
Rau dạng ống dễ nhiễm ký sinh trùng
Còn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định, vấn đề rau rửa nước bẩn hiện nay cần quan tâm nhất chính là giun sán, vi sinh vật.
Nước sau khi sinh hoạt bị thải ra từ nhiều nguồn khác nhau với nhiều chất bẩn, trong đó tỷ lệ giun sán, vi sinh vật rất cao. Khi rửa bằng nước này, giun sán sẽ chui vào lá, cánh, bẹ để sống. Nhất là các loại rau dạng ống như: rau muống, rau cần, rau rút...
"Các ống rau không thẳng tuột mà có các khúc, nếu rau bị dập nát khi rửa nước ao hồ, cống rãnh thì vi sinh vật, giun sán sẽ chui vào sống trong ống. Trong khi việc rửa rau tại các gia đình chủ yếu vẫn là làm sạch vết bẩn phía ngoài, vì thế giun sán vẫn nằm nguyên bên trong", PGS.TS Thịnh phân tích.
Theo các chuyên gia, đã đến lúc cần có các cơ chế về việc sản xuất rau sạch tại các địa phương. Tránh để người bán hàng làm gian dối, coi thường người tiêu dùng.
Ngoài ra, người dân cũng cần biết cách chế biến đảm bảo an toàn bằng các cách sau: Nên chọn mua rau không bị dập nát, nhất là rau dạng ống.
Nếu rau bị dập khi chế biến nên bỏ phần dập đó đi và rửa nhiều lần. Sau khi rửa nên ngâm qua nước muối để làm sạch vi sinh hoặc sục ozon để làm sạch.
Nếu rửa rau thấy có hiện tượng sủi bọt nhiều lần dù đã loại bỏ nguyên nhân do bọt khí của nước… cần loại bỏ vì nguy cơ rau có thể bị nhiễm chất tẩy rửa cao. Không nên mua rau có màu xanh đậm hơn so với bình thường vì theo nguyên tắc rau đó thường bị bón quá nhiều phân đạm.